I. Ngạch Chuyên viên và Kiểm tra viên thuế
(Thời gian làm bài 180 phút không kể thời gian phát đề)
Câu 1: (20 điểm)
Qua nghiên cứu luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, anh (chị) hãy:
1. Nêu những hiểu biết về biểu thuế suất luỹ tiến từng phần?
2. Phân tích ý nghĩa của biểu thuế suất luỹ tiến từng phần trong việc phân phối thu nhập ở nước ta hiện nay
Câu 2: (20 điểm)
Căn cứ Luật quản lý thuế số 30/2019/QH14, anh (chị) hãy cho biết:
1. Các nguyên tắc kiểm tra thuế, thanh tra thuế?
2. Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế được thực hiện trong các trường hợp nào? Trình tự thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế?
Câu 3: (20 điểm)
Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành, anh (chị) hãy cho biết:
1. Các trường hợp hàng hoá, dịch vụ khi xuất khẩu không được áp dụng thuế suất 0%?
2. Một doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hoạt động kinh doanh thương mại mặt hàng thực phẩm tươi sống, thịt hộp. Xác định thuế suất thuế giá trị gia tăng của các mặt hàng kinh doanh này khi doanh nghiệp kinh doanh trong nước và xuất khẩu?
Câu 4: (40 điểm)
Một doanh nghiệp trong năm tính thuế 2020 có tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh như sau;
1. Doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh chính (chưa có thuế GTGT) là 250.000 triệu đồng
2. Chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh chính thực tế phát sinh: 246.000 triệu đồng. Trong đó:
- Chi phí đầu tư xây dựng cửa hàng trưng bày sản phẩm dự kiến hoàn thành trong Quý I/2021: 150 triệu đồng
- Các khoản chi được chi từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (có hoá đơn, chứng từ); 100 triệu đồng
- Các khoản chi hỗ trợ, tài trợ (có hồ sơ, hoá đơn, chứng từ): 200 triệu đồng, chi tiết: Hỗ trợ cho hoạt động của tổ chức Đoàn thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong doanh nghiệp: 45 triệu đồng; ủng hộ hoạt động của Hội người cao tuổi huyện nơi doanh nghiệp đóng trụ sở 15 triệu đồng; tài trợ để thành lập Quỹ khuyến học giáo dục của tỉnh theo quy định của pháp luật về giáo dục đào tạo: 140 triệu đồng.
- Thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp trực tiếp tham gia điều hành SXKD (có hồ sơ, chứng từ theo quy định): 500 triệu đồng
- Tiền phạt vi phạm chế độ kế toán, thống kê; vi phạm pháp luật về hoá đơn chứng từ (có chứng từ nộp ngân sách nhà nước): 40 triệu đồng
- Các khoản chi phí ghi nhận (không bao gồm thuế GTGT) của các hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần trong năm có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên đến hết ngày 31/12/2020 doanh nghiệp vẫn chưa thanh toán cho nhà cung cấp 120 triệu đồng.
- Các khoản chi phí về trang phục cho người lao động (có hoá đơn, chứng từ): 660 triệu đồng. Trong đó chi bằng hiện vật: 240 triệu đồng; Chi bằng tiền 420 triệu đồng (Biết rằng doanh nghiệp có 60 lao động, người lao động trong doanh nghiệp được hưởng chế độ trang phục giống nhau)
- Các khoản chi phí còn lại đáp ứng điều kiện chi phí được trừ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
3. Một khoản nợ khó đòi đã xoá, nay đòi được: 300 triệu đồng
4. Lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế: 200 triệu đồng
5. Trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ: theo mức tối đa được trích theo quy định
Yêu cầu: Tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 (có giải thích cách tính)? Biết rằng doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ; Năm 2020, doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất 20%; không được miễn, giảm thuế TNDN; không có số lỗ từ các năm trước chuyển sang.
(Đề thi gồm có 2 trang, được đánh số từ trang 1 đến trang 2. Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Thí sinh nộp đề thi cùng với bài làm. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
Gợi ý trả lời:
Câu 1:
1. Nêu những hiểu biết về biểu thuế suất luỹ tiến từng phần?
Biểu thuế suất luỹ tiến từng phần là biểu thuế gồm nhiều bậc. Ứng với mỗi bậc là một mức thuế suất tương ứng. Theo đó, thuế suất tăng dần theo từng bậc thuế. Thuế được tính từng phần theo bậc thuế và mức thuế suất tương ứng của từng bậc. Số thuế phải nộp là tổng số thuế tính cho từng bậc. Ví dụ biểu thuế từng phần áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công. Được trực tiếp quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân.
Biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú như sau:
Biểu thuế này áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật thuế thu nhập cá nhân, trừ các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện, các khoản giảm trừ quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Với biểu thuế lũy tiến từng phần như trên, khi tính thuế thì phần thu nhập tính thuế thuộc bậc thuế suất nào thì áp dụng thuế suất đó, không tính trên phần thu nhập tính thuế của bậc tính thuế thấp hơn.
Ví dụ: Tháng 09/2020, một cá nhân cư trú có thu nhập tính thuế từ tiền lương là 12 triệu đồng thì số thuế thu nhập cá nhân phải nộp được xác định như sau: 5 x 5% + (10 – 5) x 10% + (12 – 10) x 15% = 1.050.000 đồng.
2. Phân tích ý nghĩa của biểu thuế suất luỹ tiến từng phần trong việc phân phối thu nhập ở nước ta hiện nay
Áp dụng biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từng phần như trên đối với thu nhập tính thuế (thu nhập tính thuế là thu nhập chịu thuế sau khi đã trừ các khoản giảm trừ) là để tính số thuế thu nhập cá nhân phải nộp tăng dần theo mức độ tăng của thu nhập tính thuế. Tức là, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp tăng dần theo khả năng trả thuế của người nộp thuế. Như vậy, ý nghĩa của biểu thuế này là: Góp phần tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội theo chiều dọc. Theo đó, người có khả năng trả thuế cao hơn thì phải trả thuế nhiều hơn.
Hoặc ngắn gọn hơn:
- Đóng thuế theo từng mức thu nhập vì vậy thu nhập càng cao đóng thuế càng cao
- Tính thuế dựa trên thu nhập tính thuế (là thu nhập chịu thuế sau khi giảm trừ gia cảnh) nên phù hợp với mức trả thuế của từng cá nhân (cùng TNCT nhưng người có giảm trừ cao sẽ có TNTT thấp và nộp thuế thấp hơn).
- Tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước và thực hiện quá trình phân phối lại qua các chính sách chi tiêu công, thực hiện công bằng xã hội.
Câu 2:
1. Các nguyên tắc kiểm tra thuế, thanh tra thuế?
- Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra thuế, thanh tra thuế.
- Tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và mẫu biểu thanh tra, kiểm tra, trình tự, thủ tục, hồ sơ kiểm tra thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Không cản trở hoạt động bình thường của người nộp thuế.
- Khi kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế phải ban hành quyết định kiểm tra, thanh tra.
- Việc kiểm tra thuế, thanh tra thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, thông tin, hồ sơ mà người nộp thuế đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan của người nộp thuế để xử lý về thuế theo quy định của pháp luật.
2. Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế được thực hiện trong các trường hợp nào? Trình tự thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế?
* Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế được thực hiện trong các trường hợp:
a) Trường hợp hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế; kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước;
b) Trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 109 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14;
c) Trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở của người khai hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan;
d) Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
đ) Trường hợp được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề;
e) Trường hợp theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước, cơ quan khác có thẩm quyền;
g) Trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh và các trường hợp kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động mà cơ quan thuế không phải thực hiện quyết toán thuế theo quy định của pháp luật.
* Trình tự thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế:
a) Công bố quyết định kiểm tra thuế khi bắt đầu tiến hành kiểm tra thuế;
b) Đối chiếu nội dung khai báo với sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, kết quả phân tích rủi ro về thuế, dữ liệu thông tin kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế các tài liệu có liên quan, tình trạng thực tế trong phạm vi, nội dung của quyết định kiểm tra thuế;
c) Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế. Thời hạn kiểm tra được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì người đã quyết định kiểm tra có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế;
d) Lập biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra;
đ) Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo kết quả kiểm tra.
Câu 3:
1. Các trường hợp hàng hoá, dịch vụ khi xuất khẩu không được áp dụng thuế suất 0%
a) Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài;
b) Dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài;
c) Dịch vụ cấp tín dụng;
d) Chuyển nhượng vốn;
đ) Dịch vụ tài chính phái sinh;
e) Dịch vụ bưu chính, viễn thông;
g) Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.
2. Một doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hoạt động kinh doanh thương mại mặt hàng thực phẩm tươi sống, thịt hộp. Xác định thuế suất thuế giá trị gia tăng của các mặt hàng kinh doanh này khi doanh nghiệp kinh doanh trong nước và xuất khẩu?
a) Thịt hộp bán trong nước áp dụng thuế suất 10%
b) Thực phẩm tươi sống nếu không phải là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế thông thường thì áp dụng thuế suất 5%.
c) Thực phẩm tươi sống nếu là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế thông thường thì tính thuế như sau:
- Nếu bán trong nước cho doanh nghiệp, hợp tác xã thì không phải kê khai, tính và nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra
- Nếu bán trong nước cho đối tượng khác không phải doanh nghiệp, hợp tác xã thì phải tính thuế theo thuế suất 5%
d) Tất cả các sản phẩm trên khi xuất khẩu nếu đáp ứng đủ hồ sơ, điều kiện theo quy định của pháp luật thì áp dụng thuế suất 0%.
Câu 4:
Công thức xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp:
Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp = (Thu nhập tính thuế - Trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ) x thuế suất
Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước.
Thu nhập chịu thuế bằng doanh thu trừ các khoản chi được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được ở ngoài Việt Nam.
Đơn vị tính: triệu đồng
1. Doanh thu tính thu nhập chịu thuế: 250.000
2. Chi phí được trừ
a) Các khoản chi phí không được trừ loại khỏi chi phí doanh nghiệp kê khai:
- Chi phí đầu tư xây dựng cửa hàng trưng bày sản phẩm dự kiến quý I/2021 hoàn thành (không được trừ vì đây là chi đầu tư xây dựng cơ bản): 150
- Các khoản chi được chi từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ (không được trừ vì đã chi trừ quỹ phát triển khoa học và công nghệ): 100
- Chi ủng hộ Hội người cao tuổi của huyện nơi doanh nghiệp đóng trụ sở: 15
- Tiền phạt vi phạm chế độ kế toán, thống kê, vi phạm pháp luật về hóa đơn, chứng từ: 40
- Chi trang phục bằng tiền cho người lao động tương ứng với phần chi vượt quá 5 triệu đồng/người/năm): 420 – 60 x 5 = 120
Tổng các khoản chi phí không được trừ loại khỏi chi phí doanh nghiệp đã kê khai: 150 + 100 + 15 + 40 + 120 = 425
b) Tổng chi phí được trừ: 246.000 – 425 = 245.575
Giải thích một số khoản chi liệt kê trong đề bài nhưng vẫn được trừ:
+ Chi hỗ trợ hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của doanh nghiệp là chi phí được trừ vì đã được quy định riêng là được trừ.
+ Chi tài trợ thành lập Qũy khuyến học giáo dục của tỉnh là khoản tài trợ được trừ theo quy định tại điểm n khoản 2 Điều 9 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
+ Chi thù lao trả cho sáng lập viên do có tham gia điều hành doanh nghiệp nên được trừ theo điểm i khoản 2 Điều 9 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
+ Chi phí chưa thanh toán cho nhà cung cấp đến hết 31/21/2020 vẫn được trừ do đã có quy định riêng về nội dung này.
+ Chi trang phục bằng hiện vật có hóa đơn, chứng từ được trừ toàn bộ, không bị khống chế tối đa.
3. Thu nhập chịu thuế khác
- Khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được: 300
- Lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế: 200
Tổng TNCT khác: 300 + 200 = 500
4. Thu nhập chịu thuế: 250.000 - 245.575 + 500 = 4.925
5. Thu nhập tính thuế: Do không có thu nhập miễn thuế và lỗ kết chuyển từ năm trước nên thu nhập tính thuế bằng thu nhập chịu thuế: 4.925
6. Trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ: 4.925 x 10% = 492,5
7. Thu nhập tính thuế sau khi trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ: 4.925 – 492,5 = 4.432,5
8. Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp: 4.432,5 x 20% = 886,5
Một số bạn có cách trình bày bằng cách kẻ bảng, rất dễ nhìn và khoa học:
II. Đề thi Ngạch văn thư lưu trữ
Câu 1: Tại sao văn bản ban hành cần đúng thể thức? Nêu trách nhiệm của bản thân trong việc soạn thảo và trình ký văn bản?
Câu 2: Những nguyên tắc của trình, chuyển giao văn bản đến? Nêu trách nhiệm của văn thư
Câu 3: Anh (chị) hãy nêu các nghiệp vụ lưu trữ? Yêu cầu của người làm công tác lưu trữ tại cơ quan thuế?
Câu 4: Mọi người trong cơ quan chưa nhận thức được tầm quan trong của văn bản điện tử. Là người làm công tác văn thư anh chị sẽ tham mưu cho lãnh đạo cơ quan như thế nào?
III. Đề thi Ngạch CNTT
Đang cập nhật ...