Đề thi Công chức thuế vòng 2 khu vực Miền Trung và Tây Nguyên (ngày 23/01/2021)


Tiếp tục cập nhật nhanh nhất đề thi Công chức thuế Vòng 2 năm 2020 khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Mời các bạn theo dõi và so sánh đáp án nhé.

Thông tin về  thời gian, địa điểm tổ chức thi tuyển Vòng 2 khu vực Miền Trung và Tây Nguyên được thông báo tại công văn số 20/TB-HĐTT ngày 18/01/2021 của Tổng cục Thuế. Cụ thể:

1. Đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên:

- Thời gian thi: 14 giờ 00 phút, thứ bảy ngày 23/01/2021.

- Địa điểm thi: Trường Quân sự Quân khu 5, số 305 đường Trường Sơn, Phường Hòa Thọ Tây, Quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.

2. Đối với khu vực Miền Nam và TP. Hồ Chí Minh:

- Thời gian thi: 14 giờ 00 phút, thứ bảy ngày 30/01/2021.

- Địa điểm thi: Học viện Chính trị Khu vực II, số 99 Man Thiện, Phường Hiệp Phú, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh.

Quang cảnh khu vực thi Miền Trung (lúc 5h10ph ngày 23/01/2021)

Nội dung đề thi Miền Trung do bạn đọc review như sau:

I. NGẠCH CHUYÊN VIÊN VÀ KIỂM TRA VIÊN THUẾ

Thời gian làm bài 180 phút, không kể thời gian giao đề

Tải đề thi TẠI ĐÂY

Câu 1: (20 điểm)

Qua nghiên cứu luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, anh (chị) hãy chỉ ra:

1. Những điểm khác biệt cơ bản về quy định thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú và không cư trú?

2. Căn cứ vào giấy tờ gì để xác nhận một cá nhân nước ngoài là cá nhân cư trú?

Câu 2: (20 điểm)

Trình bày quy định về quyền của người nộp thuế của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Điểm mới của nội dung này so với Luật Quản lý thuế trước đó.

Câu 3: (20 điểm)

Anh (chị) hãy nêu 5 khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành?

Một doanh nghiệp có hoạt động chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì khoản thu nhập từ hoạt động chuyển giao này có phải là khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hay không? Giải thích?

Câu 4: (40 điểm)

Công ty PQ nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, kê khai thuế GTGT theo tháng, chuyên kinh doanh sản phẩm A và sản phẩm B, trong kỳ tính thuế tháng 10/2020 có tình hình hoạt động kinh doanh như sau:

1. Hoạt động bán ra:

- Bán 8.000 sản phẩm A cho công ty Y trong nước, đã lập hóa đơn GTGT sô 588 ngày 05/10/2020, giá bán chưa thuế GTGT là 3.500.000 đồng/sản phẩm.

- Trả lương cho cán bộ, nhân viên bằng 5.000 sản phẩm A, đã lập hóa đơn GTGT số 589 ngày 05/10/2020

- Xuất khẩu 2.000 sản phẩm B sang Hồng Kông, đã lập hóa đơn thương mại số 590 ngày 20/10/2020, giá bán tại cửa khẩu xuất là 1.500.000 đồng/sản phẩm. Lô hàng xuất khẩu này đủ điều kiện để hưởng thuế suất GTGT 0%

2. Hoạt động mua vào:

- Ngày 05/10/2020, công ty nhập khẩu từ nước Ukraine 10.000 sản phẩm A, giá tính thuế nhập khẩu cho cả lô hàng là 10.000.000.000 đồng; tiền thuế nhập khẩu cho cả lô hàng là 1.000.000.000 đồng. Công ty đã thanh toán toàn bộ bằng chuyển khoản. Biết rằng sản phẩm A không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.

- Mua 900 sản phẩm B có hóa đơn GTGT điện tử số 86 ngày 12/10/2020, giá mua chưa thuế GTGT là 800.000 đồng/sản phẩm. Công ty đã thanh toán toàn bộ bằng chuyển khoản

- Mua công cụ, dụng cụ của công ty Z có hóa đơn GTGT điện tử số 99 ngày 25/10/2020, trên hóa đơn không ghi tách riêng tiền thuế GTGT mà chỉ ghi tổng giá thanh toán là 220.000.000 triệu đồng. Công ty đã thanh toán toàn bộ bằng chuyển khoản

3. Thuế suất GTGT đối với sản phẩm A là 5%, sản phẩm B và hàng hóa, dịch vụ khác là 10%. Thuế suất thuế GTGT đối với sản phẩm B xuất khẩu là 0%.

4. Số thuế còn được khấu trừ từ tháng 09/2020 sang tháng 10/2020 là 280.000.000 đồng.

5. Ngày 26/10/2020 phát hiện trong kỳ tính thuế GTGT tháng 09/2020, đã kê khai 2 lần hóa đơn đầu ra số 586 ngày 20/9/2020 với giá trị bán chưa thuế GTGT là 70.000.000 đồng, thuế suất thuế GTGT 10%. Công ty đã thực hiện khai bổ sung vào ngày 26/10/2020 (cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền chưa thanh tra kiểm tra kỳ tính thuế tháng 09/2020)

Yêu cầu: Anh (chị) hãy xác định số thuế GTGT mà công ty PQ phải nộp cho kỳ kê khai thuế tháng 10/2020?

Đáp án tham khảo

Câu 1:

1. Những điểm khác biệt cơ bản về quy định thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú và không cư trú:

Tiêu chí so sánh

Cư trú

Không cư trú

Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế

Thu nhập toàn cầu (cả phát sinh tại Việt Nam và nước ngoài)

Thu nhập phát sinh tại Việt Nam

Cách xác định thu nhập tính thuế đối với tiền lương, tiền công

TNTT = TNCT – các khoản giảm trừ

TNTT = TNCT

Thuế suất đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công

Áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 mức thuế suất từ 5-35%

Thuế suất toàn phần 20%

Phương pháp tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp =TNTT x Thuế suất (20%)

 

TNTT = Giá chuyển nhượng – Giá vốn của chuyển nhượng vốn

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng x Thuế suất (0,1%)

 

Kỳ tính thuế

Tùy theo loại thu nhập mà kỳ tính thuế theo năm hoặc lần phát sinh

Lần phát sinh

Nguyên tắc quản lý kê khai thuế

Kết hợp giữa khấu trừ tại nguồn với tự kê khai

Khấu trừ tại nguồn

Nghĩa vụ kê khai của người nộp thuế

Tùy theo từng loại thu nhập mà NNT có thể phải kê khai thuế hoặc không khải kê khai quyết toán thuế theo năm

Không phải kê khai quyết toán thuế theo năm

2. Các loại giấy tờ làm căn cứ để xác nhận một cá nhân nước ngoài là cá nhân cư trú:

- Chứng minh là đối tượng cư trú của Việt Nam căn cứ vào: Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp

- Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.

- Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

Câu 2:

a) Quyền của người nộp thuế của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. 

- Được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế.
- Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
- Yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; yêu cầu giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Được giữ bí mật thông tin, trừ các thông tin phải cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin công khai về thuế theo quy định của pháp luật.
- Hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn.
- Ký hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, đại lý làm thủ tục hải quan để thực hiện dịch vụ đại lý thuế, đại lý làm thủ tục hải quan.
- Được nhận quyết định xử lý về thuế, biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, được yêu cầu giải thích nội dung quyết định xử lý về thuế; được bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế; được nhận văn bản kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý thuế.
- Được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình.
- Khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của công chức quản lý thuế và tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật về tố cáo.
- Được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử.
- Được sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch với cơ quan quản lý thuế và cơ quan, tổ chức có liên quan.

b) Điểm mới của nội dung này so với Luật Quản lý thuế trước đó.

Bổ sung thêm các quyền sau so với Luật Quản lý thuế trước đó:

- Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn

- Không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

- Được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử.

- Được sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch với cơ quan quản lý thuế và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Câu 3:

a) 5 khoản thu nhập được miễn thuế TNDN:

- Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp.
- Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm, sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam.
- Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.
- Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội.
- Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước, sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

b) Một doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao công nghệ cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì khoản thu nhập này không phải là thu nhập được miễn thuế TNDN 

Giải thích: Theo quy định tại khoản 11 Điều 4 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản “Thu nhập từ chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao” chỉ được  miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khi chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trường hợp khoản thu nhập từ hoạt động chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao công nghệ cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì chỉ được giảm 50% số thuế TNDN phải nộp theo Khoản 3 Điều 15 Luật thuế TNDN.

Câu 4:

Công thức xác định: Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

1) Thuế giá trị gia tăng đầu ra
+ Bán sản phẩm A cho công ty Y trong nước:
8.000 x 3.500.000 x 5% = 1.400.000.000 đồng
+ Trả lương cho cán bộ nhân viên bằng sản phẩm A:
5.000 x 3.500.000 x 5% = 875.000.000 đồng
+ Xuất khẩu sản phẩm B sang Hồng Kông: 2.000 x 1.500.000 x 0% = 0
Tổng thuế giá trị gia tăng đầu ra: 1.400.000.000 + 875.000.000 + 0 = 2.275.000.000 đồng

2) Thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ
+ Sản phẩm A nhập khẩu (Giả sử công ty đã nộp thuế GTGT của sản phẩm A nhập khẩu): (10.000.000.000 + 1.000.000.000) x 5% = 550.000.000 đồng
+ Sản phẩm B mua vào: 900 x 800.000 x 10% = 72.000.000 đồng
+ Mua công cụ, dụng cụ của công ty Z không được khấu trừ vì hóa đơn không ghi tách riêng tiền thuế giá trị gia tăng mà chỉ ghi tổng giá thanh toán
Tổng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ:
550.000.000 + 72.000.000 = 622.000.000 đồng

3) Thuế GTGT phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2020:
2.275.000.000 - 622.000.000 = 1.653.000.000 đồng

4) Thuế GTGT chưa khấu trừ hết kỳ tính thuế tháng 9/2020 chuyển sang: 280.000.000 đồng

5) Thuế GTGT phải nộp của kỳ tính thuế tháng 10/2020 trước khi khai bổ sung, điều chỉnh số liệu sai sót của kỳ tính thuế tháng 9/2020:
1.653.000.000 – 280.000.000 = 1.373.000.000 đồng

6) Xác định số liệu kê khai bổ sung, điều chỉnh thuế giá trị gia tăng kỳ tính thuế tháng 9/2020
+ Do kê khai trùng thuế giá trị gia tăng đầu ra nên thuế giá trị gia tăng đầu ra của kỳ tính thuế tháng 9/2020 giảm đi so với số đã kê khai: 70.000.000 x 10% = 7.000.000
+ Do kỳ tính thuế tháng 9/2020 trước khi khai bổ sung, điều chỉnh giảm có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa khấu trừ hết chuyển kỳ sau là 280.000.000 đồng nên sau khi khai bổ sung, điều chỉnh, thuế giá trị gia tăng chuyển kỳ sau của kỳ tính thuế tháng 9/2020 tăng 7.000.000 đồng, tức là, số khấu trừ chuyển kỳ sau sau khi khai bổ sung là 280.000.000 – 7.000.000 = 287.000.000 đồng.
+ Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ tăng của kỳ tính thuế tháng 9/2020 được đưa vào chỉ tiêu “Điều chỉnh tăng số thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ kỳ trước” của tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng 10/2020 lập vào ngày 26/10/2020: 7.000.000 đồng.

7) Thuế giá trị gia tăng phải nộp của kỳ tính thuế tháng 10/2020 sau khi khai bổ sung, điều chỉnh tờ khai thuế tháng 9/2020 vào ngày 26/10/2020:
1.653.000.000  – 280.000.000 – 7.000.000 = 1.366.000.000 đồng
Lan Khuê

Blog đã hoạt động được 9 năm với phương châm muốn chia sẻ tới bạn đọc kinh nghiệm, tài liệu ôn thi tuyển dụng công chức, viên chức, tài chính, ngân hàng.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn